Hướng dẫn tạ mộ cuối năm


Vào dịp cuối năm, người ta thường ra nghĩa trang thắp hương dâng lễ, cảm tạ thần linh suốt một năm qua đã bảo vệ cho mồ yên mả đẹp, giúp đỡ các hương linh gia tộc được vững vàng an lạc, không bị tà khí xâm lăng, lầm đường lạc lối.

Cây có gốc nở ngành xanh ngọn
Nước có nguồn mới bể cả sông sâu

Tạ mộ là một nghi lễ cuối năm được các gia đình Việt thực hiện từ lâu đời. Người xưa cho rằng, mồ mả là nhà ở của người đã khuất. Dù ở đâu, mộ phần cũng được đặt dưới sự quản lý của các vị tôn thần. Vì thế, vào dịp cuối năm, người ta thường ra nghĩa trang thắp hương dâng lễ, cảm tạ thần linh suốt một năm qua đã bảo vệ cho mồ yên mả đẹp, giúp đỡ các hương linh gia tộc được vững vàng an lạc, không bị tà khí xâm lăng, lầm đường lạc lối.

Để tiện lợi, người dân đã kết hợp lễ tạ với việc quét dọn mộ phần và mời tổ tiên về nhà ăn Tết, gộp lại thanh một, gọi chung là lễ Chạp, vì thường được tiến hành từ sau 23 đến ngày 30 tháng Chạp. Cần lưu ý rằng, Tạ mộ khác với tảo mộ. Tạ mộ nhằm mục đích chính là tạ ơn thần linh cai quản nghĩa trang còn tảo mộ lại mang hàm ý sửa sang cho mới mẻ mộ phần, hòa chung với dương khí đầu xuân năm mới. Tạ mộ thực hiện vào cuối năm còn Tảo mộ triển khai vào đầu năm như Nguyễn Du từng viết:
Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh

Trong hình ảnh có thể có: cỏ, ngoài trời và thiên nhiên

Muốn được đầy đủ, Lễ Chạp cần phải thực hiện bốn bước như sau:

Trước khi đi: Chủ nhà nên thắp nhang báo cáo tôn thần, gia tiên nội tộc. Nếu chưa bao sái ban thờ thì nên thực hiện rồi mới đi. Bao sái bàn thờ, là thủ tục làm gọn sạch không gian thờ cúng trong nhà. Gia chủ cần chuẩn bị khăn sạch, rượu trắng và nước thơm để lau dọn bát hương, đồ thờ. Trước đó cần chọn ngày giờ tốt, thắp hương xin phép thần linh, tiên tổ. Trong quá trình bao sái, gia chủ nên nhấc hẳn bát hương ra khỏi vị trí để việc làm sạch được triệt để. Nếu bát hương có nhiều chân nhang, cần rút tỉa bớt cho gọn gàng, vừa sach sẽ tôn nghiêm, lại an toàn tránh cháy nổ. Sau đó, hóa toàn bộ chân nhang và những cành vàng lá ngọc, vàng mã mà trong năm đã rước từ nơi khác về để chuẩn bị thay loạt mới. Tro sau hóa được rắc thả trôi sông hoặc tìm gốc cây sạch để bón. Cuối cùng, nhớ sắp đặt lại bát hương theo đúng vị trí cũ, tránh nhầm lẫn sau khi bao sái. Nhiều gia đình thực hiện nghi lễ bao sái bàn thờ cùng ngày với ông Công ông Táo.

Trong nhà nên cử người đại diện như ông, cha, con trưởng, cháu đích tôn… đi lễ tạ, trường hợp thiếu vắng thì nên chọn người lớn tuổi hoặc trụ cột gia đình đi thay. Nếu là đàn bà con gái thì nên chọn ngày thanh sạch. Gia đình chuẩn bị sẵn một ít hoa quả, nhang nến, mặn ngọt tùy tâm.

Đến nghĩa trang: Gia chủ cần thắp hương ở miếu Thần Linh trước (nếu có). Đây là nơi thờ Địa Tạng Vương hoặc Sơn Thần Thổ Địa. Họ là những người cai quản âm phần, long mạch, hương linh. Một chút thành tâm khấn vái, cảm tạ các vị đã chăm lo cho mộ chí được vẹn nguyên, long mạch được hưng vượng, vong hồn được chuyên chính an vui. Họ chở che cho cả gia tiên bốn mùa êm ấm, sao có thể lãng quên một công lao to lớn như vậy.

Đến mộ: Sau khi thắp hương cảm tạ thần quản trang thì tiến về phía mộ phần gia tộc. Chú ý đi đường lớn, tránh lối hoang ngõ tắt vì ở đó tà khí hưng vượng, dễ xâm lấn vào người, gây ra những điều bất lợi. Đến nơi thì bày biện lễ vật (nếu có), thắp hương báo cáo, xin phép sửa sang, quét dọn, đắp đất, nhổ cỏ, trồng hoa… Trong quá trình này không nên để vương vãi, lộn xộn. Đặc biệt tránh dẫm đạp vô ý lên mộ phần nhà khác.

Sau cùng, gia chủ khấn mời tổ tiên nội ngoại cùng trở về nhà thờ dòng họ, bàn giờ gia đình để cháu con thay nhau hương khói, tưởng nhớ tri ân cho đúng đạo hiếu sinh người Việt.

Về nhà: Trưa hoặc chiều hôm đó, gia đình nên làm mâm cơm kính mời tiên tổ giáng phó bàn thờ, vui cùng con cháu. Với nhiều nhà, sau khi dâng cúng tổ tiên, đây cũng là bữa cơm tất niên xum vầy sau một năm làm ăn xa cách, lại quây quần bên nồi bánh chưng ôn cố tri tân, ấm áp tình thân.

- Chuyên gia Phong thủy Nguyễn Hoàng -