Một số kiêng kỵ đầu năm mới


Theo quan điểm dân gian, người Việt có một kiêng kỵ vào những ngày đầu xuân năm mới, nó không hoàn toàn thống nhất nhưng cũng có thể tham khảo như một nét văn hóa đặc thù.

Quét nhà, đổ rác

Theo quan niệm dân gian, việc quét nhà trong ngày Tết sẽ quét đi theo cả lộc xuân, gia đình sẽ bị xui xẻo. Tục này bắt nguồn từ một điển tích của Trung Quốc ghi trong "Sưu thần ký". Đó là câu chuyện về người lái buôn tên là Âu Minh, đi qua hồ Thanh Thảo được thủy thần cho một người hầu tên là Như Nguyệt, đem về nhà được vài năm thì Âu Minh ăn nên làm ra, nhà rất giàu. Một hôm, nhân ngày mồng một Tết, không biết vì lý do gì Âu Minh đánh Như Nguyệt, cô sợ quá chui vào đống rác ở góc nhà. Vợ Âu Minh không để ý nên vô tình quét nhà hót luôn cả đống rác có Như Nguyệt bên trong đổ đi. Từ đó nhà Âu Minh lại nghèo đi. Người ta bảo Như Nguyệt chính là thần tài và lập bàn thờ để thờ (có lẽ vì vậy mà bàn thờ thần tài thường để ở góc nhà). Từ đó có tục kiêng hót rác trong ba ngày đầu năm do người ta sợ hót mất thần tài ẩn trong đó đổ đi, sự làm ăn sẽ không phát đạt.

Kết quả hình ảnh cho hoa đào"

Đóng cửa hoặc ngồi trước cửa

Đầu năm vạn tượng sinh sôi, cỏ cây tươi tốt, trời đất giao hòa, nhất là sáng ngày mùng một. Gió xuân mát mẻ mang lại điềm lành, mưa xuân lất phất gieo mầm tài lộc, nắng xuân nhè nhẹ đưa đến vận may. Dịp tốt hiếm hoi như vậy sao có thể bỏ qua cho được, nhà nhà sẽ mở cửa nghênh đón thần linh, tiếp nhận vận mới. Vì thế, không nên ngồi trước cửa, sẽ cản trở khí xuân xâm nhập. Trừ trường hợp cả nhà phải đi chúc tết, còn không, nhất định phải mở toang cửa chính để nạp đầy phúc khí cho một năm phát lộc phát tài, bình an, hỉ lạc.

Trang phục màu đen

Màu đen tượng trưng cho xui xẻo, tang tóc. Mặc y phục màu đen trong dịp tết làm giảm dương khí của trời đất, tạo ra cảm giác bất ổn cho người xung quanh. Màu đen cũng là tín vật của sao Cự Môn, ngôi sao thường mang lại những điều mờ ám, xấu xa, gợi đến một năm không thuận lợi. Vào ngày tết, những bộ quần áo, trang sức, phụ kiện màu sắc sặc sỡ, sáng sủa thường được mọi người đón nhận tích cực hơn, vì nó mang lại năng lượng của vận đỏ.

Xin nước

Phong thủy có nói “sơn quản nhân đinh, thủy quản tài”. Thủy tượng trưng cho tài lộc, của cải. Ngày đầu năm mới, giếng khơi nhất định không được cạn, bể nước chắc chắn phải đầy, vòi nước cần đảm bảo hoạt động, có như vậy thì cả năm sẽ phát đạt, ngược lại thì vất vả gian nan. Nước còn biểu thị cho sự sống, vạn sự từ thủy mà ra, thủy là nguồn cơn của sự sống. Vì thế, từ lâu nhiều người cho rằng, đầu năm không cho nước vì sợ kém tài, mười hai tháng khó.

Xin lửa

Lửa tượng trưng cho dương khí của trần gian. Lửa phá tan bóng tối, giá lạnh. Lửa xua đuổi muông thú, quỷ ma. Lửa mang đến ấm áp, tình thương, tự tin, may mắn. Giữ lửa là một trong những thói quen từ ngàn xưa, thời ăn lông ở lỗ đến tận bây giờ. Một thứ quý giá như vậy sao có thể cho người khác vào ngày đầu năm. Nếu cho đi thì sẽ mất lộc. Dân gian quan điểm ngày mùng một tết nhất định phải đỏ lửa, thậm chí không được tắt lửa trong suốt cả ngày. Vì thế, cần phải chuẩn bị đầy đủ diêm, bật lửa trong ba ngày tết, tránh phải đi người khác, dễ bị mất lòng.

Vay mượn

Tương tự như lửa và nước, tiền bạc là một trong những tài sản luôn được con người tìm kiếm, gây dựng và bảo vệ. Vay mượn đầu năm là việc không nên làm. Người có tiền nếu không cho vay thì sợ mất lòng người hỏi, nếu cho vay thì sợ mất lộc nhà mình, thật là khó nghĩ. Vì thế, trong bảy ngày xuân, đi đâu cũng phải chuẩn bị một chút tiền, tránh sự thiếu thốn, đi vay không được, đi mượn không xong, đã xui lại càng thêm xui nữa.

Rơi vỡ

Mọi sự rạn nứt đều để lại những tổn thương, thậm chí không thể hàn gắn, nói gì đến chuyện vẹn nguyên. Rơi vỡ từ lâu là một điềm báo chẳng mấy tốt lành. Việc này được các bậc cha mẹ hết sức lưu tâm dặn dò trẻ nhỏ hay con gái mới về nhà chồng. Vì thế, vào những ngày đầu năm, làm việc gì cũng phải cẩn thận, tránh sự bất cẩn làm rơi vỡ đồ dùng, nhất là ngày mùng một.

Tranh cãi

Hòa khí là chất men để tạo ra năng lượng và sáng tạo. Mọi sự mâu thuẫn đầu năm dễ mang lại cảm giác tiêu cực, báo hiệu một năm không mấy vui vẻ, tàng chứa thị phi, xung đột. Nếu đầu năm có những sự căng thẳng, bất hòa thì hỉ thần sẽ rời xa gia chủ. Vì thế, nhẫn nhịn, tươi tắn, xởi lởi trong dịp tết là một việc nên làm.

Buồn bã

Tết là lúc tống cựu nghênh tân. Xui xẻo cho qua, đón chào may mắn. Tết là lúc tổng kết lại thành bại của một năm, rút ra những bài học mới. Tết cũng là khi chuẩn bị tinh thần, nguồn lực để bắt đầu một kế hoạch hành động, khí thế ào ào, nhà nhà nô nức. Trong không khí tưng bừng như vậy, sự buồn bã trở nên lạc lõng và không khuyến khích. Người ta cũng nói, buồn nản dẫn đường cho quỷ ma kết bạn, nên dù có xẩy ra chuyện gì, trong ba ngày tết vẫn nên lạc quan, mạnh mẽ thì vạn sự tất lành, tai quan nạn khỏi.

Nói gở

Nói điềm gở là một điều kiêng kỵ không riêng gì ngày tết. Với nhiều người, nói gở sẽ báo ứng nên họ rất kiêng sợ, không dám và không muốn nghe thấy những lời này. Nếu ai đó nói điều không hay, ngày lập tức sẽ bị người khác quở trách và đính chính vì sợ quỷ ma nghe thấy. Trong ba ngày tết, điều đó lại càng phải đặc biệt lưu tâm, nhất là khi đến nhà người khác.

Kết quả hình ảnh cho nắng xuân"

Vỗ vai, quàng vai

Trong cuộc sống hàng ngày, quàng vai, vỗ vai ở góc độ nào đó thể hiện sự thân mật nhất định. Tuy nhiên, với không ít người, đây lại là một hành động không mang lại cảm giác thoải mái, giống như bị o ép, khống chế, gợi cho lên những bại lộ, khó khăn sắp đến. Vào dịp tết nhất, nếu bị người khác vỗ vai, linh cảm một năm sẽ chẳng hay ho gì. Vì vậy tốt nhất là đừng nên dại dột làm điều đó, hãy chậm lại một chút trước khi thể hiện cảm xúc của mình.

Ăn món xui

Người dân nước ta có nhiều món ăn kiêng kỵ, nhất là đầu tháng, ngày rằm. Tết nhất thì việc đó được nâng lên một tầm quan trọng mới. Tùy theo tính chất ngành nghề và phong tục mà mỗi vùng miền có những kiêng kỵ khác nhau. Cả ba miền kiêng ăn chịt chó, thịt vịt, mực. Miền Trung kiêng ăn trứng vịt lộn, cá mè, kiêng đu đủ. Miền Nam kiêng ăn cua, ăn tôm, kiêng ăn chuối vì mọi người quan niệm rằng như thế sẽ đen đủi cả năm. Vì vậy, nếu gia chủ không kiêng thì cũng nên lưu ý khi chọn món ăn mời khách vào dịp tết.

Đánh thức người đang ngủ

Đầu xuân là lúc thiên - địa - nhân hợp nhất giao hòa, giấc ngủ giống như một cách để con người tiếp nhận điều đó một cách thảnh thơi và đầy đủ nhất. Vì thế, dân gian cho rằng nếu bị đánh thức trong năm mới thì cả năm sẽ phải chịu sự hối thúc trong công việc, không làm chủ được cuộc sống, còn chúc Tết người đang ngủ coi như trù ẻo họ muốn họ bệnh tật, đau yếu quanh năm. Vì vậy, nếu đến nhà ai để chúc tết mà họ vẫn đang ngủ, hãy kiên nhẫn đợi họ thức giấc hoặc quay lại vào một thời điểm khác sẽ tốt hơn.

Phát tang mùng một

Đương nhiên rồi, mùng một tết có chuyện chết chóc là điều đại kỵ. Chẳng những gia chủ không may vì trong nhà có người khuất núi mà hàng xóm láng giềng, bạn bè thân hữu cũng rất ngại đến hỗ trợ chăm lo hậu sự hay phúng viếng ma chay. Đơn giản vì người ta quan niệm, nhà có tang sẽ xui, ngày đầu tiên năm mới mà tiếp xúc bầu không khí ai oán, tang thương sẽ xui xẻo cả năm, ốm đau, hoạn nạn, phá tài, giáng chức. Vì thế, nếu phát tang mùng một, gia chủ sẽ phải tự mình lo liệu, chẳng mấy người tới thăm, sự đau khổ càng tăng lên gấp bội, tốt nhất là lùi lại vài ngày thì hơn.

Nhà có tang không đi chúc tết

Theo quan điểm người xưa, nhà có tang hẳn là đang trong thời vận kém, làm ăn vất vả, vạn sự khó thông. Thời gian đen đủi này kéo dài cho đến khi mãn tang người mất. Nếu vẫn trong thời kỳ chịu tang, gia chủ không đi chúc tết làng xóm, họ hàng vào những ngày đầu năm mới, sợ rằng sẽ đem đến những xui xẻo cho gia chủ. Cho nên, những người này, thường ở nhà tiếp khách mà không đi ra ngoài vui tết đón xuân, âu cũng là một cách giữ gìn điềm may, ít nhất là tránh tâm lý tiêu cực cho những gia đình mình đến.

----

Chuyên gia Phong thủy Nguyễn Hoàng