Trâu có thể gọi là Sửu nhưng Sửu không hẳn đã là Trâu.
1. Sửu là con giáp đứng thứ hai trong thập nhị địa chi. Sửu mang hành thổ nhưng không thuần thổ mà tàng chứa trong đó cả kim và thủy. Sửu có đặc tính dung nạp vạn vật, chịu đựng khiêm tốn. Sửu đến từ phía Đông Bắc, là hướng có núi non trùng điệp. Trong khoa học phong thủy, Sửu hoàn toàn không phải là Trâu mà nó là một đại lượng được trời đất gán chỉ, đại diện cho một trong rất nhiều thông số biến hóa của ngũ hành khí.
2. Vậy tại sao dân gian thường gọi Sửu là Trâu? Đó đơn giản là một hình ảnh được gán cho gần gũi với đời sống người nông dân cổ đại, nhằm thuận tiện cho quá trình truyền bá phong thủy dịch lý. Có nhiều cách giải thích nhưng ví dụ sau đây cũng dễ được chấp nhận: Tý thường được lấy từ 23h đêm đến 1h sáng, đó là khi Chuột hoạt động mạnh nhất trong ngày, gọi nhau chíu chít trên nóc nhà, không cho người ngủ. Vì thế người ta gán cho Tý là Chuột để dễ nhớ. Tương tự, Sửu thường được lấy từ 1-3 giờ sáng, cũng là lúc Trâu ợ ra nhai lại, tạo ra âm thanh trong đêm, ảnh hưởng đến giấc ngủ của người. Bởi vậy, người ta lấy Trâu đại diện cho Sửu nhằm dễ thuộc.
3. Như vậy Trâu chỉ là một trong vô vàn sự hiện thân của Sửu mà thôi. Đối với người xưa, Trâu thuộc vào hàng tam sự trọng yếu mà người nam nhi đại trượng phu, trụ cột gia đình cần phải có cho bằng được: "tậu trâu, cưới vợ, làm nhà". Không chỉ có nghĩa đen "con trâu là đầu cơ nghiệp" mà "tậu trâu" còn mang nghĩa bóng "học lấy một nghề", bởi nếu không có nghề thì không lập thân dựng nghiệp được, nói chi đến chuyện tề gia trị quốc...
(còn nữa, đón đọc nhiều phần sau)
Chuyên gia Phong thủy Nguyễn Hoàng