Dinh Độc Lập được tổng thống Ngô Đình Diệm cho xây lại trên nền dinh Norodom trước đó. KTS Ngô Viết Thụ có vinh dự thực hiện dự án có tổng chi phí 150 ngàn lượng vàng này. Dinh Độc Lập mang được cái chất dung dị hàm chứa bao liên tưởng tốt lành, theo triết lý thiết kế của người kiến trúc sư tài ba nhất trong lịch sử Việt Nam.
Ngô Viết Thụ quê Thừa Thiên có một tuổi thơ nhọc nhằn, túng thiếu. Phải ở với ông ngoại may được ông kèm cặp chữ Hán. Chả phải mệnh thân cư thê, nhưng quả chàng trai Ngô Viết Thụ mang ơn nhiều bên vợ. Năm 1948, học xong Trường Cao đẳng kỹ thuật Đà Lạt, được gia đình vợ giúp sang du học ở Pháp. Năm 1950, Ngô Viết Thụ thi đậu vào Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Paris.
Đoạt giải khôi nguyên năm 1955, ông đỗ đầu giải kiến trúc La Mã, được Hội Kiến trúc sư Pháp tặng huy chương vàng. Muốn tham dự cuộc thi này, thí sinh phải có quốc tịch Pháp; tuổi dưới 25, độc thân và phải có đạo Thiên Chúa. Trong khi đó, Ngô Viết Thụ không có quốc tịch Pháp; tuổi đã 28, đã có vợ con và lại là Phật tử. Có lẽ tài năng đã cứu giúp ông. Ông đã lần lượt vượt qua 4 vòng của cuộc thi và có mặt trong số 10 người ở vòng cuối. Trong kỳ thi cuối cùng (100 ngày) thí sinh không được bước chân ra ngoài trường thi.
Bài thi Ngôi thánh đường trên đảo Địa Trung Hải, có ngôi thánh đường hình parabol trên mặt bể Địa Trung Hải như ẩn hiện dưới bầu trời. Kết quả khi bỏ phiếu của Ban giám khảo cuộc thi (28/29), ông đoạt giải nhất – gọi là Khôi nguyên La Mã (Premier Grand Prix de Rome); khi ấy ông 29 tuổi. Với việc đoạt giải Khôi nguyên La Mã của Viện Hàn lâm Pháp, ông được cấp học bổng 3 năm nghiên cứu và sáng tác tại các khu biệt thự Medicis thuộc tài sản Pháp ở La Mã. Một vinh dự lớn nữa, một triển lãm trình bày các sơ đồ kiến trúc mang tên Ngô Viết Thụ được Tổng thống hai nước Pháp và Ý đến cắt băng khánh thành.
Vào những năm đầu 60, ngành qui hoạch trên toàn thế giới vẫn còn đang ở giai đoạn đầu phát triển, và tại Việt Nam lúc đó chỉ có ba người có cả hai văn bằng kiến trúc sư và văn bằng phát triển quốc gia tại nước ngoài là: KTS Huỳnh Kim Mãng (GS Cao đẳng kiến trúc Sài Gòn), KTS Lê Văn Lắm (giám đốc Tổng nha kiến thiết đô thị) và KTS Ngô Viết Thụ.
Năm 1960, KTS Ngô Viết Thụ về Sài Gòn làm việc theo lời mời của Tổng thống Ngô Đình Diệm ở tuổi 30. Một thời kỳ sung sức, hứng khởi. Ông là tác giả nhiều đồ án xây dựng, kiến trúc đồ sộ, trong đó có Dinh Độc Lập, Đại học sư phạm Huế, Trung tâm nguyên tử Đà Lạt. Đại Chủng viện Đà Lạt, Viện Đại học Huế, Làng Đại học Thủ Đức, chợ Đà Lạt, Khách sạn Hương Giang 1 Huế, Nhà thờ Phú Cam, Trụ sở Việt Nam Hàng không…
…Tới lui trên khoảng cỏ trước Dinh Độc lập, tôi ngắm ngó hồi lâu để cố mà vỡ vạc ra những nắc nỏm của thiên hạ rằng trong kiến trúc Dinh, yếu tố mỹ thuật và kỹ thuật luôn đổi mới sáng tạo, dung chứa một bản sắc độc đáo và triết lý sâu sắc. Trong công trình Dinh Thống Nhất, ông áp dụng khoa chiết tự vào thiết kế mặt đứng: chữ Vương và chữ Tam – tượng trưng cho Nhân, Minh, Võ đức – để nhắc nhở những ai chủ trì tại đó phải có tài đức của một nhà lãnh đạo. Chữ Chủ – giữ vững chủ quyền đất nước, chữ Khẩu – đảm bảo tự do ngôn luận của người dân, chữ Trung – trung với quốc dân, và chữ Hưng – làm cho đất nước hưng thịnh. Tổng thể khối kiến trúc Dinh thống nhất có hình chữ Cát hàm nghĩa tốt lành…
Hình như ý nghĩa chiết tự – triết học và cái tao nhã của Dinh Độc Lập như một mục đích, cảm hứng chủ đạo là dân chủ đã rộng đường cho hậu thế, ngay từ lúc Dinh khánh thành (1966) đã mặc sức khen chê?
Chữ Trung, nếu là trung với vua, với nước thì phải có chữ Tâm ở dưới? Còn không thì Trung chỉ mang nghĩa chính giữa. Chữ Cát là tốt. Nhưng chiết tự, chữ cát có hình thót hậu. Về phong thủy, người ta kiêng kiểu đất thót hậu. Vượng địa phải là vuông vắn hay nở hậu, mới lâu dài, tốt đẹp.
Cũng như vậy, bao nhiêu những lời khen tặng về bức rèm đá hình cây trúc theo điển Tiết trực Tâm Hư của nhà Nho ca tụng khí tiết cương trực của người quân tử. Trúc tiết tâm hư thị ngã sư (lòng rỗng của đốt trúc đích thầy ta) Rằng đây là điều mà ông Diệm ưa thích. Quốc huy thời ông Diệm chính là cành trúc.
Tấm rèm đá này ở giữa với mục đích che chắn hung khí từ đại lộ Thống Nhất nhiễm vào và đón ánh sáng không khí tự nhiên ùa vào hành lang. Thế mà không thiếu những suy luận rằng, các đốt trúc trắng này trông xa như hình xương ống chân, ống tay. Cái mà người ta gọi là rèm lại chính là một số xương ống tay, ống chân treo trên dinh Độc Lập. Đây là một điềm báo trước cái chết của gia đình ông Diệm(!?)
Có lẽ hiếm một công trình như Dinh Độc Lập tròn nửa thế kỷ dằng dặc những luận bàn này khác nhưng nó vẫn tồn tại vẫn trở thành một trong Trung tâm hành chính quốc gia mọi thời. Vẫn rốt cuộc một mẫu số chung là nó… lạ nhưng bắt mắt. Và đẹp!
Xin trích thêm bộc bạch của KTS Ngô Viết Nam Sơn (con trai cố KTS Ngô Viết Thụ) trong một bài viết về cha mình:
“Về mặt phong thủy, đa số công trình cho các vị vua ngày xưa đều xây dựng theo triết lý bá đạo, tức là làm sao có lợi nhất cho chủ nhân, mà không tính đến chuyện gây hại cho người khác.
Với Dinh Độc Lập, cha tôi theo quan điểm vương đạo, tức là làm sao cho cộng đồng phát triển tốt, khi cộng đồng thịnh vượng, trong đó sẽ có mình. Nhiều người cho rằng trục chính đi thẳng vào dinh là xấu, nhưng cha tôi vẫn làm, và dùng hồ nước để hóa giải. Ông cho rằng, vua thì phải làm gương, phải đứng ra gánh vác, chiếu không ngay, không ngồi. Tôi tự hào về cha, và ảnh hưởng nhiều về phong cách Á Đông kết hợp với kiến trúc cổ điển Pháp trong các công trình kiến trúc của ông.
…Cha tôi là người khí tiết, không chỉ trong lời nói, mà cả hành động. Sau này ông Diệm muốn đưa cha tôi vào chức vụ Bộ trưởng Bộ Xây dựng, nhưng cha tôi từ chối. Lúc đó, làm bộ trưởng Xây dựng giàu sang, uy quyền lắm, phụ trách luôn cả xổ số kiến thiết”.
Và vẫn luôn một KTS Ngô Viết Thụ đa tài! Trong lãnh vực hội họa, nội bộ tranh Sơn Hà Cẩm Tú gồm 7 bức, mỗi bức dài 2m, rộng 1m được trưng ngay trong chính Dinh Độc Lập đã khiến ông nổi danh. Lại thạo ngón chơi đàn Tranh, đàn Kìm và Sáo. Ông để lại hàng trăm bài thơ và bài viết.
Ông Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) dường như tìm đến ông hơi bị muộn? Đó là thời điểm sau khi ông Thụ đi học tập cải tạo 1 năm trở về…
Nhiều ý kiến đánh giá, sở dĩ KTS Ngô Viết Thụ không di tản vì từng chịu ảnh hưởng ông Võ Văn Kiệt trong đó có câu: khi nào anh không chịu được nữa thì biểu tôi. Chứ đi như thế nguy hiểm lắm…
Ông Sáu Dân thời điểm chưa ở cương vị Thủ tướng, một lần đi công tác nước ngoài bằng phi cơ của Air France, mời ông đi cùng. Ghế của KTS Ngô Viết Thụ là hạng phổ thông. Trong khi hàng ghế hạng thương gia của ông Sáu Dân lại dư. Ông Sáu đề nghị phi hành đoàn mời KTS Ngô Viết Thụ lên nhưng ông không chịu. Ông Sáu Dân kiên quyết, nếu ông không lên thì ông Sáu sẽ xuống hạng phổ thông ngồi. Khi đó KTS Ngô Viết Thụ mới chịu.
Lần đó đi Vịnh Hạ Long, ông Sáu Dân thân mài mực nho và giữ giấy cho gió biển khỏi bay để KTS Ngô Viết Thụ họa cảnh.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt công du Pháp và Algeria mời KTS Ngô Viết Thụ đi cùng. Đến Pháp, không may KTS bị chứng bệnh thận cấp tính phải lưu lại chữa trị. Trong thời gian chữa bệnh có rất nhiều lời mời ông ở lại, và hứa bảo lãnh cả gia đình sang nước ngoài luôn. Nhưng ông kiên quyết trở về. Con trai ông kể lại, ông trở về vì một lời đã hứa với chú Sáu. Ông nói: “Kẻ sĩ đã tin nhau thì không bao giờ được phụ lòng nhau”.
Rồi có thời điểm ông là cố vấn Ban Chấp hành Hội KTS Việt Nam, và cũng là cố vấn Ban Chấp hành Hội KTS TPHCM các nhiệm kỳ I, II, III, và IV. Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã mời ông là thành viên tổ chuyên gia tư vấn kiến trúc cho Thủ tướng.
Các thành viên của tổ chức tư vấn đều chuyên làm công tác nghiên cứu, không giữ chức quyền trong bộ máy hành chính nhà nước theo chế độ “5 không”: không biên chế, không lương, không chức vụ, không có cấp trên cấp dưới và quan trọng nhất là không bị ràng buộc, hạn chế gì khi góp ý kiến với Thủ tướng.
Lúc rời Dinh nhớ thêm chi tiết của người hướng dẫn, Ban tổ chức đám tang KTS Ngô Viết Thụ đã cho dừng linh cữu xe tang trước cổng Dinh Độc Lập để vong hồn ông được nhìn lại lần cuối tác phẩm ông đắc ý nhất trong số các tác phẩm kiến trúc mà ông đã thực hiện trong suốt cuộc đời.
---