Tầng hầm là cầu nối giữa móng và thân nhà, giữa phần âm dưới đất và phần dương trên không. Nó có vai trò quan trọng không kém gì đại sảnh. Vì thế, phong thủy tầng hầm rất quan trọng nhưng thực tế lại ít được ưu tiên.
Lối vào
Lối vào là nơi dẫn khí. Tầng hầm nạp năng lượng từ lối vào, tích tụ trước khi khuyếch tán lên các tầng thông qua hệ thống thang máy và thang bộ. Nếu tụ được khí tốt thì tòa nhà sinh vượng, ấm áp, vui vẻ và giàu có, nếu không tụ được khí tốt thì tòa nhà lạnh lẽo, nghèo nàn và dễ gặp tai họa. Nếu trước tòa nhà là đường môt chiều, tức là dòng phương tiện đi từ bên trái qua bên phải tòa nhà, cổng vào mở phía bên phải thì thụ khí tài lộc dồi dào, cổng nhà mở phía bên trái thì tán khí vất vả. Nếu trước tòa nhà là đường lớn hai chiều thì nên mở lối vào phía bên trái nếu là tòa văn phòng, mở phía bên phải nếu là tòa chung cư. Vì sao vậy? Đối với tòa văn phòng, lối vào bên trái sẽ kích hoạt dương năng để tạo sự nhộn nhịp thi đua phát triển kinh tế. Đối với tòa chung cư, lối vào bên phải sẽ giảm bớt âm năng, tạo sự ấm cúng tươi vui cho người dân sinh sống. Nếu trước tòa nhà là đường nội khu thì ưu tiên mở cổng phía nào có đường nội bộ ngắn hơn để nghênh cát thủy.
Lối ra
Lối vào và lối ra không nên đối diện như cửa trước với cửa sau, tài khí khó tụ. Lối vào và lối tra chung nhau cũng không tốt, tựa như nút cổ chai, khí vào và khí ra bị xung đột, tạo nhiều bất lợi. Lý tưởng nhất là lối vào và lối ra khác nhau, sao cho khi xe di chuyển trong hầm tạo thành một vòng chữ U là đạt được tụ khí.
Layout
Quy hoạch layout phải thuận phong thủy. Layout là việc phân chia khu vực đỗ xe, quy định kiểu đỗ, vị trí đầu đuôi, biển chỉ dẫn và đường đi lối lại. Chiều lưu thông nội khu tầng hầm nên cùng chiều với dòng khí lưu thông từ cửa vào đến cửa ra, không nên chạy ngang dọc, vừa tán khí lại dễ xung đột giao thông.
Màu sắc của vạch sơn phải sáng sủa, dễ nhìn nhưng không gây chói mắt. Cần định kỳ sơn lại các vạch layout để đảm bảo an toàn và kích hoạt năng lượng.
Bình cứu hỏa phải đặt nơi thuận tiện, dễ nhìn và thường xuyên kiểm tra khả năng hoạt động của chúng.
Không nên tận dùng tầng hầm làm kho. Kho là nơi chứa nhiều vật dụng, tạp phẩm ít dùng và thường lộn xộn. Sử dụng tầng hầm làm kho sẽ tạo ra âm khí.
Thông gió
Quạt thông gió nhất thiết phải hoạt động liên tục. Khói từ ống xả và mùi của xe cộ là những thứ không tốt, làm giảm cát khí của tầng hầm. Vì thế, cần phải hút nó ra, vừa đảm bảo yêu cầu phong thủy lại tránh được ô nhiễm và nguy cơ cháy nổ.
Ánh sáng
Ánh sáng cần phải đủ. Tiết kiệm điện năng là cần thiết nhưng ánh sáng yếu ớt sẽ giúp cho âm khí phát triển, tạo bất lợi cho tòa nhà. Ánh sáng chan hòa không chỉ tạo năng lượng tích cực khi khách đến gửi xe mà còn làm cho dương khí được tích tụ, giao thông được an toàn.
Trang trí
Trang trí cần phải đẹp. Đây là khâu yếu nhất trong kiến trúc cao tầng hiện đại. Đa số các tầng hầm đều có hệ thống ống dẫn khí, dẫn nước, dẫn điện chằng chịt trên trần, một số nơi được sơn đen, tạo ra cảm giác nặng nề, không thoải mái. Cả góc độ phong thủy lẫn tâm lý học đều cho rằng, những ấn tượng đầu tiên khi vào tầng hầm có tác động không nhỏ lên tinh thần của khách. Một khu để xe rộng rãi, sáng sủa, trang trí đẹp sẽ tạo được sự bất ngờ, mang lại cảm giác vui tươi, kích thích giao dịch và mua sắm của du khách. Vì thế, ngoài việc đảm bảo độ sáng, quy hoạch layout, cần phải trang trí tầng hầm bằng những điểm nhấn vui tươi, lãng mạn nhưng không nên quá nhiều hoặc lòe loẹt, gây mất tập trung khi lái xe, tốt nhất những trang trí này nằm trong tầm mắt lối đi bộ, gần cầu thang, sau khi khách hàng đã đỗ xe ổn định.
Chân cầu thang
Chân cầu thang là nơi hút dương khí tầng hầm. Vị trí này nên nằm trong lòng chữ U của nội khu, tức là vòng di chuyển của xe từ lối vào đến lối ra ôm trọn chân cầu thang. Nếu được như vậy thì theo nguyên tắc lực hướng tâm, luồng khí di chuyển vào sẽ được tích tụ và theo cầu thang khếch tán đến các tầng bên trên. Do đó, chân cầu thang phải sạch sẽ, sáng sủa, nên có nhạc du dương và trang trí đẹp mắt để hút dương khí.
Vệ sinh
Vệ sinh như hơi thở của phong thủy. Một công trình có thiết kế đúng khoa học tới đâu mà bẩn thỉu, lộn xộn thì coi như thất bại. Linh hồn của phong thủy coi trọng sự sạch sẽ. Sạch sẽ tượng trưng dương khí và năng lượng tích cực. Vì thế, tầng hầm cao ốc luôn luôn phải được sắp xếp, quét dọn, đặc biệt kiêng kỵ ngấm nước, rò rỉ và bốc mùi.
Người soát vé
Người soát vé nhất định phải mạnh khỏe và vui tươi. Người đầu tiên khách gặp và người cuối cùng khách chào chính là người soát vé. Ấn tượng ban đầu và cảm giác chia tay tòa nhà được quyết định khá nhiều bởi vị trí thầm lặng này. Họ phải làm việc trong môi trường ồn ào, độc hại và tần suất cao nên cần phải chọn người khỏe mạnh, nhã nhặn và vui tươi. Người soát vé giống như thần tài của tòa nhà, cần phải chọn lọc và chăm sóc cẩn thận.
---
Phong thủy Nguyễn Hoàng
Viện Phong thủy Hoàng Gia Việt Nam