Tết Nguyên Tiêu - rằm tháng Giêng ở Việt Nam
Theo chuyên gia Phong thủy Nguyễn Hoàng, chữ “nguyên” có nghĩa là là “đầu”, chữ “tiêu” có nghĩa là “đêm”. Nguyên tiêu là đêm rằm đầu tiên của năm mới. Tết nguyên tiêu được Việt hóa thành tết Thượng nguyên. Người Việt có tết Thượng nguyên vào ngày rằm tháng giêng, tết Trung nguyên vào rằm tháng bảy và tết Hạ nguyên vào rằm tháng mười.
Từ xưa, vào dịp tết nguyên tiêu, nhà vua lại cho mời các quan vào vườn thượng uyển, cùng ngắm hoa bình thơ, luận bàn thế cuộc, thật là một dịp vui vẻ trong năm. Các đồ nho cũng coi đầu xuân là lúc thỏa lòng sáng tác, thường tụ tập bên nhau để thỏa lòng văn sĩ cùng các mặc khách tao nhân. Bác Hồ cũng đã viết “rằm xuân lồng lộng trăng soi/sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân”, nghĩa là rất đẹp và đầy sức sống. Đặc biệt, từ năm 2003, rằm tháng giêng còn được ấn định là Ngày Thơ Việt Nam, với nhiều hoạt động chào mừng khắp cả nước nhằm tôn vinh văn học nước nhà, nhất là thi ca xướng họa.
Theo phong tục cổ truyền nước ta, tháng giêng là tháng hội hè và văn hóa tâm linh cao độ. Đây là khoảng thời gian người người nô nức đi lễ Phật, lễ Thánh, lễ Tổ Tiên. Không ít đình, đền, chùa, miếu tổ chức khai hội vào dịp này với nhiều hoạt động phong phú, tạo ra một bầu không khí vừa vui vẻ, vừa đông đúc, vừa hy vọng tin tưởng, vừa thành kính sâu xa. Từ ra tết đến rằm tháng Giêng, các nhà chùa vẫn tổ chức những khóa lễ cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhà nhà hưng thịnh, đất hước phú cường, theo đúng tinh thần “đạo pháp và dân tộc”. Rằm tháng Giêng cũng là ngày mà ánh sáng từ bi của Phật có pháp lực mạnh mẽ, phổ chiếu nhân gian, nên người ta vẫn nói “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng”.
Đối với người dân ở các làng quê, rằm tháng giêng là dịp tri ân nguồn cội. Dù có đi đâu về đâu, làm ăn xa mấy, cũng cố gắng về quê lễ tổ, mỗi nhà thường làm một mâm cúng tổ rất linh đình. Cỗ đi họ (cỗ mang vào nhà thờ dòng họ) thường không thể thiếu gà trống, thủ lợn, bánh chưng, xôi, trầu cau và rượu. Người dân dâng lễ hết sức cầu kỳ. Những con gà được ngậm hoa, che lọng, vươn cổ, dang cánh, đủ dáng đủ kiểu, đứng trên lưng rùa làm từ củ cây chuối. Gà đi họ phải được chọn lựa kỹ càng, dáng cao, mình lớn, mào đỏ, trọng lượng từ 3kg trở lên. Các gia đình thường nuôi gà từ bé để dành cúng tổ, nếu không thì trước tết sẽ mua, mang về nuôi bằng cơm gạo của nhà trong vài tháng cho sạch sẽ, rồi đến ngày rằm mới làm thịt dâng lên. Các dòng họ còn tổ chức chấm thi và trao giải cho những mâm cỗ đẹp nhất, tạo ra một sự thi đua giữa các gia đình, qua đó dạy dỗ cháu con thấm nhuần đạo lý.
Bên cạnh lễ cúng vào ngày giỗ tổ, ngày tết nguyên đán, rằm tháng giêng và rằm tháng bảy, thì tùy theo dòng họ, thường cứ năm năm hay mười năm lại tổ chức đại lễ một lần. Đây là dịp tổng kết lại quá trình phát triển dòng tộc, rà soát, bổ sung gia phả cho đầy đủ. Trước mỗi kỳ đại lễ, các dòng họ đều có sự chuẩn bị rất chu đáo, thậm chí bắt đầu từ vài năm trước, bao gồm cả việc kêu gọi đóng góp về tài chính của các thành viên trong tộc. Đến kỳ tế lễ, phần hội có thể kéo dài tới ba ngày. Nhiều trò chơi dân gian được tổ chức vui nhộn như cầu kiều, đánh đu, cờ người, bóng chuyền, đấu vật giữa các làng hay các dòng họ với nhau. Đông đảo hậu duệ, quan khách, xóm làng sẽ tập trung vui vui chơi và tế lễ, riêng con cháu ngoại luôn được đón tiếp nhiệt tình và trọng thể. Qua dịp này, cũng là cơ hội để mọi người giao lưu, người đi xa với người ở nhà có thể gặp gỡ, nhận họ hàng thân thích, thể hiện sự đoàn kết, hưng vượng của dòng họ. Đúng là “Cả năm được rằm tháng bảy, cả thảy được rằm tháng giêng”.
Sự tích tết Nguyên Tiêu ở Trung Quốc
Tương truyền Hán Vũ Đế có một sủng thần tên là Đông Phương Sóc, tính tình lương thiện, khôi hài. Mùa đông năm nọ, tuyết rơi liền mấy hôm, Đông Phương Sóc đến ngự hoa viên, chợt phát hiện có một cung nữ nước mắt đầm đìa đang định nhảy xuống giếng tự vẫn. Đông Phương Sóc vội chạy đến ngăn lại, hỏi rõ sự tình. Thì ra, cô cung nữ tên là Nguyên Tiêu, từ khi vào cung đến nay cô chưa được gặp mặt người thân, mỗi năm khi Xuân đến lại càng nhớ nhà, cảm thấy mình không báo hiếu được cho song thân nên tìm đến cái chết. Đông Phương Sóc cảm động, liền hứa rằng nhất định sẽ tìm cách để cô đoàn tụ với gia đình.
Một ngày nọ, Đông Phương Sóc xuất cung, bày một gian hàng xem bói trong kinh thành Trường An. Nhiều người tranh nhau nhờ xem quẻ. Quẻ của mỗi người đều là "ngày rằm tháng Giêng lửa bén đến thân". Trong phút chốc, cả kinh thành Trường An hoảng sợ, mọi người tranh nhau cầu xin, tìm cách giải trừ tai ương. Đông Phương Sóc bảo rằng: "Chiều tối ngày rằm tháng Giêng, Hoả thần sẽ phái một thần nữ áo đỏ xuống phàm trần tra xét. Thần nữ chính là sứ giả phụng theo ý chỉ thiêu đốt kinh thành Trường An. Ta sao lục lại lời kệ đưa cho mọi người, có thể vào ngày hôm đó nghĩ ra được biện pháp".
Nói xong liền vất xuống đất một tờ thiếp đỏ rồi sải bước ra đi. Mọi người vội nhặt lên đem đến hoàng cung bẩm báo Hoàng thượng. Hán Vũ Đế cầm xem, chỉ thấy bên trên viết rằng: "Trường An gặp nạn, lửa thiêu Đế khuyết, ngày 15 lửa trời, đỏ rực suốt đêm".
Vũ Đế kinh hãi liền cho mời Đông Phương Sóc túc trí đa mưu đến. Đông Phương giả vờ suy nghĩ rồi nói: "Thần nghe nói Hoả thần rất thích ăn bánh trôi, nàng Nguyên Tiêu trong cung chẳng phải là người thường nấu cho bệ hạ ăn đó sao"? "Đêm rằm tháng Giêng bệ hạ bảo nàng Nguyên Tiêu làm bánh trôi, bệ hạ thắp hương dâng cúng, truyền lệnh cho nhà nhà trong kinh thành đều làm bánh trôi đồng loạt dâng cúng Hoả thần. Truyền dụ cho thần dân vào đêm đó treo đèn, khắp thành đốt pháo, nổi lửa, giống như cả thành có lửa, làm như vậy có thể qua mặt được Thượng Đế. Ngoài ra, thông báo cho dân chúng ngoài thành vào đêm rằm tháng Giêng vào thành xem hoa đăng, để tiêu tai giải nạn".
Hán Vũ Đế nghe qua liền mừng rỡ, thực thi y lời Đông Phương Sóc. Đến ngày rằm tháng Giêng, trong thành Trường An treo đèn kết hoa, người người vui chơi vô cùng náo nhiệt. Cha mẹ nàng Nguyên Tiêu cũng dẫn em gái của nàng vào thành. Khi họ nhìn thấy trên đèn treo trong cung viết hai chữ "Nguyên Tiêu" liền hét lớn: "Nguyên Tiêu! Nguyên Tiêu!" Nàng Nguyên Tiêu nghe được và cuối cùng đoàn tụ với gia đình.
Cứ như thế náo nhiệt suốt cả đêm, kinh thành Trường An quả nhiên vô sự. Hán Vũ Đế rất vui mừng liền hạ lệnh từ đó về sau, mỗi năm đến rằm tháng Giêng đều làm bánh trôi dâng cúng Hỏa thần, cả thành treo đèn đốt lửa. Vì bánh trôi do nàng Nguyên Tiêu làm rất ngon nên ngày đó còn gọi là Tết Nguyên Tiêu. Bánh Nguyên Tiêu cũng gọi là thang viên – viên tròn trong nước, xuất phát từ ý nghĩa sum họp và sự tốt lành sinh lợi.
Bánh Nguyên Tiêu rất giống với bánh trôi của Việt Nam ta, nhưng cách làm lại khác: nhân bánh được cán mỏng và cắt miếng, sau cho vào chiếc sàng rung trong có chứa sẵn bột gạo nếp, rung đến đâu bột nếp bám đầy nhân đến đó cho đến khi vê thành chiếc bánh tròn, cỡ bằng quả bóng bàn. Bánh Nguyên Tiêu đã trở thành nét văn hóa đẹp trong truyền thống Trung Hoa, tựa như chiếc bánh chưng xanh của người Việt.
----