Thanh minh là một trong thập nhị tiết khí được người Trung Quốc cổ đại lập lịch cho nhà nông. Lịch này ra đời dựa trên tốc độ di chuyển của Trái đất quanh Mặt trời. Có thể chia quỹ đạo Trái đất thành 24 cung đường bằng nhau. Cứ mỗi nửa tháng Trái đất lại đi được một cung đường như vậy tương đương một góc khoảng 15 độ tính từ mặt trời.
Mỗi lần Trái đất đi đến điểm giao của các cung đường thì rất tình cờ, các hành tinh khác cũng có một vị trí tương tác mạnh mẽ đến trời đất, trong đó có cả mặt trăng. Vào ngày này, trời đất có những tần số xung chiếu khác biệt, gây ra các hiện tượng tự nhiên mà qua hàng ngàn năm, cổ nhân đã đúc kết được.
Ví dụ: Sau Lập Xuân, sẽ có mưa rào, nên gọi là tiết Vũ Thủy. Kế đó hai tuần, sâu sẽ nở nhiều, bướm ong dìu dặt, người ta gọi là tiết Kinh Trập (sâu nở). Lại tiếp tục hai tuần, cỏ cây đạt đến sự phát triển thịnh vượng, cũng là lúc chính giữa mùa xuân, nên gọi là Xuân Phân. Lại sau hai tuần, mưa hết, sương tan, gió lạnh cũng tàn, là lúc đất trời trong trẻo, bừng sáng, nên gọi là tiết Thanh Minh...
Tục xưa như cụ Nguyễn Du đã lẩy: "Thanh minh trong tiết tháng ba/ lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh". Sau một thời gian mưa xuân tưới nhuần, cỏ cây mặc sức, khuôn viên nghĩa trang không tránh khỏi cảnh um tùm rậm rạp. Đây là lúc trời đất giao hòa, âm dương thông khí, rất tốt cho việc chăm sóc mộ phần, nhổ cỏ, quét vôi, người sống trên trần có dịp bày tỏ tấm lòng, kẻ dưới suối vàng cũng cảm được an vui thanh thản, rồi sau đó con cháu có đi đâu làm ăn xa cũng thấy yên tâm.
Ai sinh ra cũng có nguồn có cội. Sự hưng vong của cá nhân vẫn thường gắn liền với phúc ấm tại quê nhà. Mà đôi khi chỉ những lúc lặng đơn nơi chân trời góc bể, chịu những thiệt thòi về tình cảm gia đình, mới thấy được sự khát khao được trở về bên mái nhà xưa cũ. Theo phong thủy, mồ mả tổ tiên, nhà thờ dòng nhà thờ nếu được tụ kh thi con cháu sẽ làm ăn thuận lợi, nếu bị tán khí thì cơ nhỡ lầm than, tha phương cầu thực. Người đi xa cần phải có tấm lòng hướng về tiên tổ, nơi quê hương bản quán, để được nương nhờ ơn trên. Nếu vô tình lãng quên gốc gác, hay vì chút thành kiến cá nhân mà ngó lơ ông bà, phụ mẫu thì rốt cục cũng thất bại mà thôi, dẫu có bạo phát thì cũng bạo tàn trong chốc lát mà thôi.
Hoạt động thăm nom mồ mả, chỉnh sửa đầu năm gọi là "tảo mộ", tức là làm sạch, làm mới khuôn viên. Không cần lễ lạt cầu kỳ, tùy tâm nhang khói. Cái cốt là tưởng nhớ tổ tiên, phát quang bụi rậm, xóa bỏ nơi ẩn náu của bọn tà vong quỷ quái. Bởi vậy, nên chọn người đàn ông hoặc mạnh khỏe trong nhà để tiến hành tảo mộ. Khi tảo mộ tránh dẫm đạp lên mộ nhà người khác, nhất là trẻ con. Nếu vì điều kiện công việc, đường sá xa xôi không thể về quê tảo mộ thì từ đáy lòng mình, vào dịp thanh minh, cũng nên thắp hương tại bàn thờ nơi mình sinh sống, hoặc chỉ cần ngồi tâm niệm nhớ tới tiên nhân, thế cũng đủ rồi.
- Chuyên gia Phong thủy Nguyễn Hoàng -