Sự tích tháng cô hồn, mưa ngâu, báo hiếu


Đó là sự giao thoa giữa Đạo Giáo, Phật Giáo và Tín ngưỡng dân gian.

1. Sự tích về ngày xá tội vong nhân

Theo "Phật Thuyết Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni Kinh" mà suy thì việc cúng cô hồn có liên quan đến câu chuyện giữa ông A Nan Ðà, thường gọi tắt là A Nan, với một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu) cũng gọi là quỷ mặt cháy (diệm nhiên). Có một buổi tối, A Nan đang ngồi trong tịnh thất thì thấy một con ngạ quỷ thân thể khô gầy, cổ nhỏ mà dài, miệng nhả ra lửa bước vào. Quỷ cho biết rằng ba ngày sau A Nan sẽ chết và sẽ luân hồi vào cõi ngạ quỷ miệng lửa mặt cháy như nó. A Nan sợ quá, bèn nhờ quỷ bày cho phương cách tránh khỏi khổ đồ. Quỷ đói nói: "Ngày mai ông phải thí cho bọn ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc thức ăn, lại vì tôi mà cúng dường Tam Bảo thì ông sẽ được tăng thọ mà tôi đây cũng sẽ được sanh về cõi trên"

tháng bảy âm lịch - tháng cô hồn

A Nan đem chuyện bạch với Ðức Phật. Phật bèn đặt cho bài chú gọi Là "Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni", đem tụng trong lễ cúng để được thêm phước. Phật tử Trung Hoa gọi lễ cúng này là Phóng diệm khẩu, tức là cúng để bố thí và cầu nguyện cho loài quỷ đói miệng lửa, nhưng dân gian thì hiểu rộng ra và trại đi thành cúng cô hồn, tức là cúng thí cho những vong hồn vật vờ không nơi nương tựa vì không có ai là thân nhân trên trần gian cúng bái. Vì tục cúng cô hồn bắt nguồn từ sự tích này, cho nên ngày nay người ta vẫn còn nói cúng cô hồn là Phóng diệm khẩu. Có khi còn nói tắt thành Diệm khẩu nữa. Diệm khẩu, từ cái nghĩa gốc là (quỷ) miệng lửa, nay lại có nghĩa là cúng cô hồn. Ðiều này góp phần xác nhận nguồn gốc của lễ cúng cô hồn mà chúng tôi đã trình bày trên đây. Phóng diệm khẩu mà nghĩa gốc là "thả quỷ miệng lửa", về sau lại được hiểu rộng thêm một lần nữa thành "tha tội cho tất cả những người chết". Vì vậy, ngày nay mới có câu : "Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân".

2. Sự tích lễ Vu Lan báo hiếu

Vu Lan Bồn Kinh chép lại: “Thời Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, trong số 10 đại đệ tử của ngài có một vị tôn giả tên Mục Kiền Liên. Sau này Mục Kiền Liên đắc quả A La Hán thoát khỏi nghiệp sinh tử và có pháp lực thần thông cao cường. Trước khi Mục Kiền Liên tu thành chánh quả, cha mẹ của ngài đều đã mất sớm và trở thành quỷ đói bị đoạ vào địa ngục. Sau khi đắc đạo, Mục Kiền Liên muốn báo ân phụ mẫu bèn dùng thiên nhãn quan sát khắp nơi, thấy song thân ngài đang bị giam hãm dưới âm ty với hình dạng quỷ đói hết sức đáng sợ: bụng to như núi, mà cổ họng chỉ nhỏ như cây kim, không thể ăn uống gì được, thân thể hai người chỉ còn da bọc xương mà thôi.

Related image

Mục Kiền Liên thấy vậy vô cùng đau xót bèn cầm một bát thức ăn dùng thần lực mang xuống âm phủ cho mẹ, nhưng thức ăn vừa đưa sát miệng liền hoá thành tro bụi. Mục Kiền Liên đành chịu bất lực, vội đi bái kiến và thuật chuyện của mình cho Phật Thích Ca nghe. Đức Phật nói: “Cha mẹ ngươi thời còn sống đạ tạo ra vô số tội lỗi, cho nên sau khi chết phải bị đoạ vào địa ngục làm quỷ đói để chịu quả báo, một mình ngươi không thể đủ sức cầu độ cho họ được, mà phải dựa vào uy lực của tăng chúng mười phương mới mong giải thoát nổi. Vào ngày rằm từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm, tất cả tăng chúng đều cùng tụ họp tinh tiến tu hành, đến ngày rằm tháng 7 thì kết thúc và trong ngày này sẽ có nhiều tăng chúng đắc chánh quả. Ngày ấy, nếu ngươi muốn cứu song thân khỏi khổ quỷ đói, phải cúng dường cơm chay cho tăng chúng, như vậy công đức rất lớn, không những việc làm đó có thể giải thoát cho song thân ngươi khỏi khổ quỷ đói, mà thậm chí còn có thể khiến 7 kiếp của song thân người còn được hưởng phúc trên trời. Giá như cha mẹ ngươi còn tại thế, thì việc cầu cúng ấy cũng có thể khiến họ được thêm phúc đức và trường thọ”. Mục Kiền Liên làm theo lời Phật dạy, quả nhiên cha mẹ của tôn giả thoát được kiếp quỷ đói và siêu thăng”. Phật cũng dạy rằng: chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu-Lan-Bồn Pháp). Từ đó, ngày lễ Vu-lan ra đời.

3. Sự tích mưa Ngâu

Đó là câu chuyện tình của Ngưu Lang và Chức Nữ. Ngưu Lang là người nông dân trần thế, còn Chức Nữ là thần tiên con gái thứ bảy của Ngọc Hoàng. Hai người nên duyên vợ chồng khi Chức Nữ hạ phàm tắm trong rừng vắng, bị Ngưu Lang giấu mất y phục, khiến nàng không thể bay được lên trời.

Hai người sinh con. Trong một lần chồng đi vắng, Chức Nữ vô tình tìm thấy bộ cánh của mình trong bồ thóc, thương nhớ mẹ cha, nàng bèn lắp cánh bay về thiên giới. Ngọc Hoàng biết chuyên rất giận nhưng cũng đồng ý cho cha con Ngưu Lang lên trình diện một lần. Sau đó Chức Nữ sai đàn quạ đen đưa chồng con trở về hạ giới. Do ham ăn, lũ quạ lỡ làm rơi cha con Ngưu lang khi gần tiếp đất.

Sự tích ngày Ngưu Lang, Chức Nữ mùng 7/7 âm lịch 2

Chức Nữ ngày đêm thương nhớ, bèn xin vua cha cho chồng con chuyển hẳn lên trời. Ngọc Hoàng đồng ý nhưng luật thiên đình không cho thần tiên lấy người hạ giới nên Vương Mẫu Nương Nương phẩy tay vạch một dòng sông Ngân hà, cho hai cha con ở bên kia, mỗi năm được đoàn tụ một lần vào ngày mùng 7 tháng 7 âm lịch, gọi là ngày Thất tịch. Đến ngày này, lũ quạ đen phải đội đá bắc cầu (gọi là cầu ô thước) để chuộc lỗi năm xưa. Vì vậy, hàng năm vào những ngày này, nỗi niềm thương nhớ rơi xuống thành mưa, mưa Ngâu có từ chuyện đó.

4. Tháng bảy năm Kỷ Hợi 2019

Năm nay rất tốt, can chi năm tháng tương trợ với nhau, là một tháng tốt lành, nhiều may mắn và quý nhân xuất hiện. Kinh tế xã hội sẽ có nhiều khởi sắc, tình hình trị an tuy có những hiềm khích nhất định nhưng sẽ không lên đến cao trào và mọi việc sẽ ổn thỏa.
Phỏng theo tục lệ, nửa đầu tháng bảy, người dân nước ta thường cúng cô hồn, cúng gia tiên dòng họ và thực hiện các nghi lễ báo hiếu sinh thành. Đó là những tín ngưỡng và đức tin tốt. Tuy nhiên, không nên quá sùng tín các quan điểm dân gian tới mức cực đoan, dẫn đến những kiêng kỵ không đáng có, làm lỡ cơ hội.