Văn cúng rằm tháng Giêng


Bài viết của chuyên gia phong thủy Nguyễn Hoàng

1. TẾT NGUYÊN TIÊU CỦA NGƯỜI VIỆT

Chữ “nguyên” có nghĩa là là “đầu”, chữ “tiêu” có nghĩa là “đêm”. Nguyên tiêu là đêm rằm đầu tiên của năm mới. Tết nguyên tiêu được Việt hóa thành tết Thượng nguyên. Người Việt có tết Thượng nguyên vào ngày rằm tháng giêng, tết Trung nguyên vào rằm tháng bảy và tết Hạ nguyên vào rằm tháng mười.

Từ xưa, vào dịp tết nguyên tiêu, nhà vua lại cho mời các quan vào vườn thượng uyển, cùng ngắm hoa bình thơ, luận bàn thế cuộc, thật là một dịp vui vẻ trong năm. Các đồ nho cũng coi đầu xuân là lúc thỏa lòng sáng tác, thường tụ tập bên nhau để thỏa lòng văn sĩ cùng các mặc khách tao nhân. Bác Hồ cũng đã viết “rằm xuân lồng lộng trăng soi/sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân”, nghĩa là rất đẹp và đầy sức sống. Đặc biệt, từ năm 2003, rằm tháng giêng còn được ấn định là Ngày Thơ Việt Nam, với nhiều hoạt động chào mừng khắp cả nước nhằm tôn vinh văn học nước nhà, nhất là thi ca xướng họa.

Theo phong tục cổ truyền nước ta, tháng giêng là tháng hội hè và văn hóa tâm linh cao độ. Đây là khoảng thời gian người người nô nức đi lễ Phật, lễ Thánh, lễ Tổ Tiên. Không ít đình, đền, chùa, miếu tổ chức khai hội vào dịp này với nhiều hoạt động phong phú, tạo ra một bầu không khí vừa vui vẻ, vừa đông đúc, vừa hy vọng tin tưởng, vừa thành kính sâu xa. Từ ra tết đến rằm tháng Giêng, các nhà chùa vẫn tổ chức những khóa lễ cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhà nhà hưng thịnh, đất hước phú cường, theo đúng tinh thần “đạo pháp và dân tộc”. Rằm tháng Giêng cũng là ngày mà ánh sáng từ bi của Phật có pháp lực mạnh mẽ, phổ chiếu nhân gian, nên người ta vẫn nói  “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng”.

Đối với người dân ở các làng quê, rằm tháng giêng là dịp tri ân nguồn cội. Dù có đi đâu về đâu, làm ăn xa mấy, cũng cố gắng về quê lễ tổ, mỗi nhà thường làm một mâm cúng tổ rất linh đình. Cỗ đi họ (cỗ mang vào nhà thờ dòng họ) thường không thể thiếu gà trống, thủ lợn, bánh chưng, xôi, trầu cau và rượu. Người dân dâng lễ hết sức cầu kỳ. Những con gà được ngậm hoa, che lọng, vươn cổ, dang cánh, đủ dáng đủ kiểu, đứng trên lưng rùa làm từ củ cây chuối. Gà đi họ phải được chọn lựa kỹ càng, dáng cao, mình lớn, mào đỏ, trọng lượng từ 3kg trở lên. Các gia đình thường nuôi gà từ bé để dành cúng tổ, nếu không thì trước tết sẽ mua, mang về nuôi bằng cơm gạo của nhà trong vài tháng cho sạch sẽ, rồi đến ngày rằm mới làm thịt dâng lên. Các dòng họ còn tổ chức chấm thi và trao giải cho những mâm cỗ đẹp nhất, tạo ra một sự thi đua giữa các gia đình, qua đó dạy dỗ cháu con thấm nhuần đạo lý.

Bên cạnh lễ cúng vào ngày giỗ tổ, ngày tết nguyên đán, rằm tháng giêng và rằm tháng bảy, thì tùy theo dòng họ, thường cứ năm năm hay mười năm lại tổ chức đại lễ một lần. Đây là dịp tổng kết lại quá trình phát triển dòng tộc, rà soát, bổ sung gia phả cho đầy đủ. Trước mỗi kỳ đại lễ, các dòng họ đều có sự chuẩn bị rất chu đáo, thậm chí bắt đầu từ vài năm trước, bao gồm cả việc kêu gọi đóng góp về tài chính của các thành viên trong tộc. Đến kỳ tế lễ, phần hội có thể kéo dài tới ba ngày. Nhiều trò chơi dân gian được tổ chức vui nhộn như cầu kiều, đánh đu, cờ người, bóng chuyền, đấu vật giữa các làng hay các dòng  họ với nhau. Đông đảo hậu duệ, quan khách, xóm làng sẽ tập trung vui vui chơi và tế lễ, riêng con cháu ngoại luôn được đón tiếp nhiệt tình và trọng thể. Qua dịp này, cũng là cơ hội để mọi người giao lưu, người đi xa với người ở nhà có thể gặp gỡ, nhận họ hàng thân thích, thể hiện sự đoàn kết, hưng vượng của dòng họ. Đúng là “Cả năm được rằm tháng bảy, cả thảy được rằm tháng giêng”.

Năm Tân Sửu có nên cúng Rằm tháng Giêng trước ngày 15 Âm lịch, cúng giờ nào  đẹp nhất? - Tin tức

2. VĂN CÚNG RẰM THÁNG GIÊNG

Muôn ngàn kính lễ:

  • Hoàng Thiên Hậu Thổ Chư Vị Tôn Thần
  • Đương Niên Hành Khiển Chí Đức Tôn Thần
  • Đương Cảnh Thành Hoàng Bản Thổ Đại Vương
  • Bản Gia Táo Quân, Ngũ Thổ Ngũ Phương Phúc Đức Chính Thần, Long Mạch Địa Mạch Tài Mạch cùng các vị Thần linh cai quản xứ này

Muôn ngàn kính lễ:

  • Hiển Thủy Tổ Khảo, Hiển Thủy Tổ Tỷ
  • Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ
  • Nội ngoại gia tiên dòng họ……

Hôm nay là ngày rằm tháng Giêng, đúng Tết Thượng Nguyên, chúng con là……ngụ tại….

Xin sửa biện hoa, đăng, trà, quả, kim ngân, tài mã, chay mặn ít nhiều, dâng lên trước án. Chúng con kính mời chư vị tôn thần cùng gia tiên giáng phó đàn tràng, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật.

Cứ dịp xuân sang, cỏ cây tươi tốt, vạn tượng sinh sinh đôi, chúng con lại nhớ tới công ơn của Phật, Tiên, Thánh, Mẫu, Tôn Thần, Tiền Nhân Tiên Tổ đã phổ độ chúng sinh, cứu giúp muôn loài, sinh thành dưỡng dục… trải qua bao cuộc bể dâu, giữ gìn phẩm cách, phát triển giống nòi, dựng xây văn hóa…. thì chúng con mới có được cuộc sống như ngày hôm nay, thật là được nhiều âm đức.

Nhân Tết Thượng Nguyên, chúng con xin sắm sanh lễ mọn, dâng cúng tôn thần, tưởng nhớ tiền nhân, để bày tỏ lòng biết ơn nguồn cội. Chúng con thiết nghĩ, sinh nơi trần thế, tuệ cạn chướng sâu, nghiệp dày phúc mỏng, sao tránh khỏi những sai lầm sơ sót, cúi mong lượng thứ bỏ qua và hướng dẫn chúng con tiến bộ.

Xin Trời, Đất, Phật, Tiên, Thánh, Mẫu, Tôn Thần và Gia tiên dòng họ… phù hộ độ trì cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhà nhà hưng thịnh. Trong cái phúc của thiên hạ, có cái phúc của cá nhân, xin ơn trên che chở cho toàn gia mạnh khỏe, cát tường, tai qua nạn khỏi, phúc, lộc, thọ, khang, ninh, có được được phước duyên gặp nhiều người hiền bạn tốt, làm nhiều việc thiện giúp đời.

Chúng con kính cẩn: tiến dâng lễ vật, cầu nguyên thành tâm, cúi xin chín phương Trời mười phương Chư Phật, Chư Vị Tôn Thần và các bậc tiền nhân chứng giám, phù hộ độ trì. Xin kính biếu các Ngài  và Gia tiên kim ngân trà quả, chay mặn lòng thành. Nam mô thần Vũ Lâm Sứ Giả, phép tiên biến ít thành nhiều, nhờ Tôn Hành Giả chia đều khắp nơi!

Chúng con xin ngàn lần cảm tạ!